Cập nhật vào 11/12
Lẩu gà có công thức nấu cực kỳ đơn giản và nhanh gọn nhưng sẽ mang lại cho bạn bữa ăn quây quần vui vẻ cùng những người thân yêu. Cùng xem những bí quyết để có nồi lẩu gà ngon bạn nhé.
Lẩu luôn được coi là lựa chọn ưu tiên số 1 khi có buổi tụ họp ăn uống đông người. Trời lạnh, sum vầy bên nồi lẩu ấm cúng rôm rả buôn chuyện thì còn gì tuyệt hơn. Nước lẩu chua cay ngọt đậm của thịt gà kết hợp với các loại nguyên liệu tự nhiên mà ai cũng thích.
Có rất nhiều loại lẩu gà để bạn có thể lựa chọn, dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn 3 cách đơn giản và cơ bản nhất nhé!
1. Cách làm lẩu gà nấm

Lẩu gà nấu nấm có nước dùng thơm ngon, đậm đà bởi nước ngọt tiết ra từ thịt gà và các loại nấm. Món này ăn kèm với bún hay mì, chấm cùng gia vị cho thêm vài lát ớt sẽ rất ngon.
Chọn nguyên liệu:
- 1 kg gà ta
- Rau: Cải cúc, ngải cứu
- Nấm kim châm, nấm hương, nấm đông cô, đùi gà,… mỗi loại khoảng 250g
- Gừng, sả, chanh, mùi tàu, hành khô
- Khoai môn, ngô ngọt, ớt, cà chua
- Gia vị lẩu gà: Bột canh, mắm, hạt nêm, đường, mì chính, sa tế
- Rau nấm ăn cùng lẩu gà
Cách nấu lẩu gà nấm:
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
- Gà chặt miếng vuông vừa ăn bày ra đĩa. Chân, cổ cánh chặt để riêng ướp gia vị làm nước dùng
- Rau nhặt rửa sạch để ráo nước sau đó cắt thành từng khúc không quá ngắn xếp ra đĩa. Nấm cắt bỏ gốc, ngâm nước muối rồi rửa sạch bày đĩa tròn.
- Củ, quả cạo vỏ rửa sạch.
Bước 2: Làm nước lẩu gà
- Hành khô đập dập, bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào phi thơm đến khi ngả vàng thì cho tiếp, ớt quả, sả đập dập, gừng thái sợi to, cho vào xào qua. Tiếp đó cho phần chân, cổ, cánh đã ướp vào xào chung trong vòng 5 phút cho ngấm gia vị.
- Chuẩn bị nồi nước dùng khoảng 03 lít nước, trút các thứ đã xào ở chảo vào nồi. Nêm thêm gia vị đường, bột canh, chút nước mắm, mì chính (nếu thích) sao cho vừa ăn rồi đun sôi nhỏ lửa trong 20 phút. Với cách làm này, nước lẩu gà ngon đậm đà hơn so với cách cho trực tiếp các loại gia vị vào nồi và đun sôi.
- Nước lẩu sôi, cho tiếp ngô, khoai môn, cà chua thái miếng, nấm hương đun sôi nhỏ lửa trong 15 phút là có thể dùng được.
Bước 3: Làm gia vị chấm gà lẩu
Trong lúc chờ nước dùng, tranh thủ làm gia vị chấm gà lẩu với bí quyết cực ngon. Cho 1 thìa bột canh, 1/2 thìa đường và một chút mì chính, ớt và lá chanh thái nhỏ rồi trộn đều sau đó vắt nước cốt chanh vào và khuấy đều, quyện cùng nhau. Đặc biệt, nếu bạn mua được hạt mắc khén và rang lên xong giã nhỏ trộn với bột canh muối ớt ở trên thị thật là tuyệt vời.
Bước 4: Thưởng thức
- Nước lẩu nấu xong, chiết ⅔ nước lẩu sang nồi bếp điện hoặc bếp ga để ăn lẩu. Phần nước còn lại để chế thêm khi nước lẩu cạn dần (Nên dùng bếp điện để dễ kiểm soát nhiệt độ sôi)
- Trút một phần thịt gà vào nồi, đun sôi sau đó nhúng rau cải cúc, ngải cứu, nấm vào để ăn lẩu. Không nên trút cả thịt gà vào nồi lẩu vì nếu ăn không kịp gà sẽ nhừ và bở mất đi độ dai, ngọt.
- Lẩu bạn có thể ăn kèm với bún, mì tôm hoặc mì gạo sẽ rất ngon.
Ngoài các rau để nhúng lẩu ở trên thì bạn có thể bổ sung thêm rau cải thảo, rau muống tùy theo sở thích.
Góc chia sẻ: Giày cao gót là một phụ kiện quan trọng đối với các chị em. Tuy nhiên, việc đi giày cao gót quá nhiều lại khiến chị em phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Cùng tìm hiểu qua bài viết mang giày cao gót nhiều bị gì.
2. Cách làm lẩu gà Thái chua cay thập cẩm

Nguyên liệu gồm:
- Phần xương và thịt: 0.5kg xương heo (xương gà, đầu tôm) , thịt gà ta, thịt bò, tôm sú.
- Rau, củ, quả: Rau cải mơ, rau muống, cà chua, ngô ngọt, cà rốt, nấm hương khô, 4 bìa đậu phụ, 3-4 cây sả, hành khô, 1 củ riềng, 2 quả chanh, ớt tươi, 4-5 lá chanh thái.
- Gia vị: Nước mắm, hạt nêm, bột canh, đường, tiêu, gia vị lẩu thái…
Cách làm:
Sơ chế nguyên liệu:
- Xương heo rửa sạch cho vào nồi áp suất hầm lấy phần nước trong.
- Gà rửa sạch chặt miếng nhỏ vừa ăn, thịt bò thái mỏng đúng thớ, tôm cắt râu nặn hết phần bẩn ở đầu tôm, đậu phụ thái miếng vuông rồi xếp tất cả ra đĩa.
- Các loại rau nhúng nhặt bỏ lá úa rửa sạch và ngâm nước muối loãng khoảng 15 phút; Ngô ngọt rửa sạch cắt khoanh tròn, cà rốt bổ miếng, cà chua bổ múi cau, nấm hương khô ngâm nước ấm cho hết chất bẩn rồi rửa sạch; sả đập dập, riềng thái lát mỏng, lá chanh vò nhàu.
Chế nước lẩu:
- Phi thơm hành băm rồi cho cà chua vào xào, tiếp đến cho nấm hương, sả đập dập, riềng thái lát, 1 quả ớt tươi thái nhỏ. Nêm 2 muỗng nước mắm, 1 muỗng bột canh, 1 muỗng hạt nêm, 1/2 muỗng tiêu, 2 muỗng đường, 2 muỗng nước cốt chanh.
- Khi các gia vị đã quện đều với nhau thì đổ phần nước xương heo đã hầm vào. Tiếp đến nêm thêm 2 muỗng gia vị lẩu thái và thả lá chanh đã vò nhàu vào là hoàn thiện phần nước lẩu. Nếu ai thích vị béo thì có thể cho thêm nước cốt dừa.
Như vậy là tất cả các nguyên liệu của món lẩu gà Thái chua cay thập cẩm cũng như nước lẩu đã được chuẩn bị xong, việc tiếp theo chỉ là bắc lên bếp và thưởng thức.
Ngoài lẩu gà, bạn có thể tham khảo thêm Cách nấu súp bí đỏ thịt gà để bổ sung vào thực đơn cho bữa ăn gia đình.
3. Cách làm lẩu gà dấm bỗng

Nguyên liệu chuẩn bị:
- Gà ta: 1-2 con khoảng 1,7kg – 1,8kg/con sau khi đã làm thịt, tùy theo số lượng người ăn. Nếu mua gà bé quá sẽ không ngon. Gà làm sạch chặt miếng vừa ăn, ướp với gia vị và hành khô băm nhỏ để khoảng 15-20 phút. Đầu, cổ cánh và chân gà cho vào ninh cùng xương ống để lấy nước dùng.
- Nấm các loại: nấm hương tươi, nấm thủy tiên, kim châm, nấm rơm: cắt bỏ gốc, rửa qua nước muối vớt ra để ráo.
- Rau muống/rau cải/cải cúc…tùy theo mùa nhặt rửa sạch vớt ra rổ để ráo.
- Mùi tàu, hành lá: cắt khúc ngắn chừng 3-4cm.
- Khoai lang Nhật: gọt vỏ thái lát mỏng vừa phải ngâm vào nước muối pha loãng cho khỏi bị thâm, cà rốt gọt vỏ thái miếng tròn, có thể tỉa cánh hoa cho đẹp mắt, hành tây thái miếng cau rồi cắt làm đôi, ngô Mỹ cắt khúc chừng 2-3cm, cà chua 4-5 quả thái miếng cau.
- Dấm bỗng, mẻ: khoảng 1 bát con, mẻ ngấu hoặc có thể thay bằng quả me, quả dọc. Dấm bỗng và mẻ có thể dễ dàng mua ở các cửa hàng bán đồ khô.
Các bước thực hiện:
- Bước 1: Chế nước dùng vào nồi lẩu, nêm gia vị và một chút đường. Thả ngô ngọt, khoai lang Nhật, cà rốt vào đun sôi, vặn nhỏ lửa đun liu riu khoảng 15p cho ngọt nước.
- Bước 2: Phi thơm hành khô băm nhỏ, cho cà chua thái miếng cau vào xào tái, trút vào nồi nước lẩu để tạo màu cho đẹp.
- Bước 3: Lọc mẻ chắt lấy nước ra một cái bát con, từ từ chế mẻ và dấm bỗng vào đun sôi trở lại. Nếu không thích ăn mẻ có thể thay bằng quả me hoặc quả dọc, cho vào đun cùng lúc với khoai và ngô, múc ra bát dầm nhuyễn rồi cũng nêm vào từ từ. Điều chỉnh lại gia vị và độ chua sao cho phù hợp với khẩu vị của gia đình.
- Bước 4: Bày các loại rau, nấm kết hợp với thịt gà ra đĩa.
- Bước 5: Đặt nồi lẩu lên bếp, cho gà vào đun sôi chừng 6-7 phút, thả hành tây, mùi tàu, hành lá, nấm hương tươi vào đun cùng cho dậy mùi thơm, cho ít một sao cho gà chín vừa tới ăn mới giòn và ngọt thịt. Nếu đun kỹ quá thịt gà sẽ bị khô. Kết hợp nhúng thêm các loại rau và nấm ăn kèm cho thêm phần hấp dẫn. Gia vị ăn kèm là gia vị chanh ớt hoặc cầu kỳ hơn thì xay ớt xanh cùng với muối tiêu chanh.
- Bước 6: Thưởng thức. Lẩu gà ăn với miến dong là hợp nhất, hoặc bún tươi. Nếu ăn cay bạn cho thêm sa tế. Lẩu gà dấm bỗng có vị chua dịu nhẹ, nước lẩu ngọt thanh rất dễ ăn và có mùi thơm rất hấp dẫn.
Bạn thấy đó, làm món lẩu gà phải nói là cực kỳ đơn giản, quan trọng và mất nhiều thời gian hơn có khi chỉ ở khâu chuẩn bị và sơ chế đồ mà thôi. Mà thành quả mang lại thì lại trên cả tuyệt vời ý chứ.
Cách làm lẩu gà vừa nóng hổi, vừa bổ dưỡng có hương vị đậm đà, hòa quyện với các loại gia vị chua cay, đặc biệt thích hợp để thưởng thức cùng cả gia đình trong những ngày tiết trời se se lạnh rất đơn giản phải không nào. Lên lịch tụ tập cùng gia đình thưởng thức món lẩu gà ngay thôi các bạn ơi.
Bài viết được tổng hợp và biên tập bởi Dương Nhung – Content Marketer tại Nội thất Đức Khang – Đại lý phân phối các sản phẩm bàn hội trường chất lượng, uy tín của các thương hiệu nổi tiếng, trong đó có Hòa Phát. Bạn có thể tham khảo những sản phẩm này tại danh mục: bàn hội trường nội thất Hòa Phát.
Xem thêm cách làm các món ăn khác: